Google đang làm khuynh đảo ngành truyền hình truyền thống

Google đang có những bước đi rất rõ nét thể hiện tham vọng của mình với lĩnh vực truyền hình. Hồi tháng 8/2011, chủ tịch Google Eric Schmidt đã có một cuộc diễn thuyết trước các giám đốc truyền hình tại Scotland. Khi đó, ông giải thích về cách thức truyền hình phát triển, và cố thuyết phục các nhà điều hành rằng họ không thể chống lại sự phát triển đó.

Theo Schmidt, truyền hình đang trở nên xã hội hóa hơn, di động hơn, và những người làm nội dung chương trình phải nắm được những thay đổi này nếu họ còn muốn được trả tiền. Nhưng ông cũng phủ nhận rằng Google có ý định cạnh tranh trực tiếp với các hãng truyền hình.

Về Google TV, ông Schmidt nói: “Khi Google TV ra đời, tại Mỹ, nhiều người sợ rằng chúng tôi định cạnh tranh với các đài truyền hình hay các đơn vị làm nội dung truyền hình. Thực ra chúng tôi có ý định hoàn toàn ngược lại. Chúng tôi chỉ đang tìm cách hỗ trợ ngành công nghiệp nội dung truyền hình bằng cách mang đến một nền tảng mở để thế hệ truyền hình tiếp theo có thể phát triển, cũng giống như hệ điều hành Android là một nền tảng mở giúp cho sự phát triển của các thế hệ điện thoại di động mới”.

Và chỉ trong một vài tháng, những thay đổi lớn đã diễn ra.

Ngày 28/10, Google đưa ra 2 thông báo lớn, qua đó có thể thấy rõ ý định thay đổi ngành truyền hình truyền thống để hưởng lợi của hãng này.

Đầu tiên, hãng công bố Google TV phiên bản 2 – nền tảng của hãng dành cho thế hệ truyền hình tương tác mới. Điểm quan trọng nhất của Google TV 2 là nó trình chiếu tất cả mọi nội dung chỉ trên một giao diện, bất kể nguồn của các nội dung đó khác nhau. Ví dụ, khi bạn muốn tìm xem một vở hài kịch hay một bộ phim, bạn sẽ nhận được kết quả tìm kiếm của video đó từ các kênh cáp truyền hình, Netflix và Youtube cùng một lúc trên cùng một giao diện.

Phát ngôn viên của Google TV nêu khá rõ quan điểm rằng truyền hình đang thay đổi, từ một thế giới hạn hẹp của vài trăm kênh truyền hình thành thế giới rộng lớn của hàng triệu “kênh” có sẵn trên web. Và hãng cung cấp nội dung video trên web số một, tính đến nay, vẫn là YouTube.

Tối hôm 28/10, Google cũng công bố thêm 100 kênh mới trên Youtube với nội dung chuyên biệt từ những nhân vật nổi tiếng hay các tập đoàn tin tức.

Google đã trực tiếp bỏ ra 100 triệu USD cho việc phát triển nội dung này, và đây rất có thể mới chỉ là con số khởi đầu. Công ty cũng đã quyết định mua lại Hulu – một hãng cung cấp video trực tuyến – tuy nhiên, đến nay hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận dù Hulu đã ngừng xem xét các nhà thầu khác.

Nói cách khác, Google đang gieo mầm cho sự bùng nổ nội dung video trên chính mạng lưới video trực tuyến khổng lồ của mình, nơi hãng này kiếm tiền nhờ bán quảng cáo. Sau đó, hãng lại cung cấp một giao diện cho phép tất cả những nội dung đó cùng xuất hiện với các chương trình truyền hình do ngành truyền hình truyền thống cung cấp.

Đây rõ ràng là một bước đi rất thông minh, bởi sự hiện diện của Google trong ngành truyền hình truyền thống vốn đang rất nhỏ, mặc dù hãng này cũng đã rất nỗ lực.

Google có cả một chương trình mang tên Google TV Ads, cho phép các đơn vị quảng cáo mua thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình cáp truyền thống giống như CNN. Đến nay, Google TV Ads cũng chưa có đóng góp đáng kể gì cho doanh thu của hãng, trong khi YouTube có thể là đơn vị kinh doanh trị giá cả tỷ USD.

Nguồn TTVN/Business Insider



Leave a Reply