- July 6, 2010
- Posted by: Lửa Việt
- Category: Kiến thức Thương hiệu
Coca-colalà nhãn hiệu trị giá tới hàng tỷ đô la Mỹ, còn Pierre Cardin là cái tên đắt giá nhất thế giới. Giữa món đồ uống được ưu chuộng và nhà thiết kế nổi danh, đâu là điểm chung? Chúng ta chấp nhận trả tiền để sử dụng sản phẩm gắn với các thương hiệu này.
Thương hiệu là gì?
Thương hiệu là một cam kết. Thương hiệu nói với bạn rằng “nếu bạn đã biết tên gọi, bạn có thể tin vào lời hứa”. Và cũng giống như mọi lời hứa, một thương hiệu chỉ được tin tưởng khi lời hứa được thực hiện. Xây dựng niềm tin có tính quyết định với thành công hay thất bại của một thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu luôn tập trung nhất cho bước đi đầu tiên này với nỗ lực chứng tỏ nhiều nhất những lời hứa ẩn trong thương hiệu.
Thương hiệu đi liền với hình ảnh. Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các thương hiệu đều gắn với logo, một hình thức giúp nhanh chóng liên tưởng tới những lời hứa ẩn trong thương hiệu. Logo sử dụng hình ảnh, kiểu dáng, chữ cái và màu sắc được thiết kế để tạo ra sự khác biệt, vừa thu hút sự chú ý vừa hướng suy nghĩ tới chủ đích. Thương hiệu cũng có thể đi liền với giai điệu (nhạc chuông Nokia), cá nhân nổi tiếng (kỹ thuật và sự tinh quái trong lối chơi của đội tuyển Arghentina gắn với Maradona), khẩu hiệu (“Just do it!” của Nike) và nhiều biểu trưng khác.
Nếu đi sâu vào từng chi tiết, có thể nhận thấy tất cả đều là thương hiệu. Đó là vì, sự hiểu biết về thế giới được xây dựng dựa trên quan hệ gắn kết của vô vàn phần tử nhỏ bé. Một ngọn cây gợi sự liên tưởng tới bóng râm. Từ ngữ cũng là thương hiệu. Khi nghe tới từ “tốc độ”, chúng ta có thể liên tưởng tới “một chiếc xe đua công thức một).
Con người cũng là thương hiệu. Quan sát hay chỉ nghe nhắc tên một người, chúng ta sẽ có nhưng hình dung và nhận định về con người đó. Với một công ty, đặc biệt công ty trong lĩnh vực dịch vụ, con người là phần rất quan trọng của thương hiệu.
Thương hiệu của cá nhân
Thương hiệu của cá nhân là những giá trị phân biệt cá nhân đó với người khác. Thương hiệu của cá nhân không chỉ đơn thuần là gây dựng một hình ảnh ra thế giới bên ngoài mà nó còn là sự tự nhận thức về các điểm mạnh, điểm yếu, kỹ năng, cảm xúc… cũng như cách sử dụng các yếu tố đó để tạo nên sự khác biệt cho bản thân và định hướng cho các quyết định của cá nhân. Thương hiệu của cá nhân ngày một trở thành yếu tố quan trọng với thành công của sự nghiệp chuyên môn.
Thương hiệu cá nhân mang lại cho người sở hữu nhiều lợi ích.
Hiểu bản thân tốt hơn, giúp tăng sự tự tin và tính khẳng định. Quá trình phát triển thương hiệu cá nhân chính là quá trình “truyền bá” những thông điệp, khắng định những giá trị cá nhân của bạn. Xây dựng được một thương hiệu cá nhân thành công cũng đồng nghĩa với việc bạn có một công cụ hữu ích để kiểm soát bản thân mình.
Tạo sự khác biệt. Một khi bạn đã tạo dựng được thương hiệu cho riêng mình thì đó chính là một công cụ hữu hiệu giúp phân biệt bạn với đồng nghiệp và các đối thủ cạnh tranh.
Mang lại những lợi ích cụ thể trong ngắn hạn cũng như dài hạn (có công việc tốt hơn, ôn định, tăng thu nhập, mở rộng lĩnh vực kinh doanh…). Mục đích cuối cùng của xây dựng thương hiệu doanh nghiệp hay thương hiệu cá nhân cũng đều là sự phát triển bền vững, là lợi nhuận.
Khi bạn đã có một thương hiệu nổi tiếng, đương nhiên bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn trong lĩnh vực hoạt động của mình. Chẳng hạn, khi cần kiểm toán người ta sẽ tìm đến KPMG, PWC, muốn tìm nhân sự thì tới VietnamWork.
Làm sao để xây dựng thành công thương hiệu cá nhân?
Dưới đây là ba bước tôi sưu tầm được, xin chia sẻ cùng các bạn.
Bước 1: Xác định thương hiệu riêng.
Để xây dựng thương hiệu cá nhân, cần định hướng rõ ràng. Hãy suy nghĩ xem bạn muốn cuộc sống của bạn sẽ thế nào trong 1, 2, 3 hay 5 năm tới. Các mục tiêu cần được xác định tập trung, trọng điểm, cụ thể và sát thực.
Ngạn ngữ có câu: “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Xây dựng thương hiệu cá nhân cũng vậy. Để xác định được một thương hiệu phù hợp và thành công cần phải hiểu rõ về bản thân mình cũng như về đối thủ cạnh tranh. Nếu bạn là người năng động và hướng ngoại, bạn sẽ khó thành công với những công việc có thể dự đoán trước, những gì quá ổn định. Ngược lại, nếu bạn là người ưa ổn định, bạn sẽ thất bại khi hướng đến một môi trường đòi hỏi tính năng động, sáng tạo và khả năng thích nghi cao.
Để đạt được từng mục tiêu, bạn phải xây đựng cho mình một chương trình hành động cụ thế. Bạn đánh giá xem có những đối thủ cạnh tranh nào cũng đang nhằm tới mục tiêu của bạn. Bạn cần phải tìm được điểm khác biệt của bạn so với họ, phân tích những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phấn đấu đạt đến các mục tiêu. Bạn cần làm thế nào để the hiện được là mình hội đủ các khả năng và tố chất để có thể trở thành người lãnh đạo tập đoàn hơn những ứng viên khác.
Bước 2: Biểu đạt và thể hiện thương hiệu
Một khi bạn đã hiểu về bản thân mình, về đối thủ cạnh tranh, đã xây dựng được những mục tiêu, bạn có thể dễ dàng xác định một tổ hợp các công cụ liên kết giúp bạn mang hình ảnh, tuyên ngôn của mình đến công chúng một cách hiệu quả nhất. Đó có thể là những bài báo viết, các bài phát biểu, các buổi thuyết trình… Bạn cần đánh giá tất cả các phương tiện đế chọn ra tổ hợp thích hợp nhất nhằm đạt đến nhóm công chúng hướng đích của mình. Tổ hợp đó có thề thay đổi tuỳ thuộc mục tiêu của bạn ở từng giai đoạn nhất định. Mỗi hành động của bạn cần được gắn với thương hiệu cá nhân của bạn. Khi bạn có một buổi thuyết trình, khi tham gia một cuộc họp, khi viết một bản báo cáo, hoặc ngay cả trong những bữa ăn, xin bạn đừng quên thương hiệu của mình. Mặt khác, cần thường xuyên đánh giá những việc bạn đã làm những thủ pháp bạn đã sử dụng xem chúng có nhất quán với thương hiệu của bạn hay không. Hãy sử dụng lịch in hay một cuốn sổ tay để liệt kê những việc cần làm và phải luôn chắc chắn rằng mọi việc bạn làm phải gắn với bản chất thương hiệu của bạn. Đó là cách để giữ cho thương hiệu của bạn luôn rõ ràng, nhất quán và ổn định.
Bước 3: Đánh giá và liên hệ
Bạn phải định lượng được thương hiệu của mình, phải phát triển các phương tiện liên kết đê đến được với nhóm công chúng mục tiêu. Nhưng bạn sẽ đo lường sự thành công của thương hiệu cá nhân như thế nào?
Điểm mấu chốt là phải thu thập những thông tin phản hồi. Nếu bạn làm việc cho một công ty hãy sử dụng hệ thống đánh giá công việc của Công ty, thu nhận những phản hồi từ người quản lý, từ những đồng nghiệp. Hãy tham vấn những người mà bạn tin rằng họ sẽ đưa ra những nhận xét trung thực nhất. Nếu bạn là một nhà tư vấn, hãy gửi cho khách hàng của bạn mẫu nhận xét qua từng dự án. Thu thập các thông tin phản hồi trên trang web cá nhân của bạn. Hãy cố gắng thu thập càng nhiều thông tin càng tốt vì điều đó giúp bạn nhận thức rõ hơn về thương hiệu cá nhân của mình.
Theo Saga